Một thuật ngữ công nghệ mới đang nổi lên từ phương Đông – “Siêu ứng dụng”, hay còn gọi là Super App. Hầu hết tất cả những người sinh sống ở châu Á, và sở hữu một chiếc điện thoại thông minh, đều dành phần lớn thời gian sử dụng những ứng dụng này. Vậy chính xác thì siêu ứng dụng là gì và Việt Nam có đang sở hữu một siêu ứng dụng mang tính cách mạng hay không?
Để có thể tìm hiểu thêm về tình hình phát triển Siêu ứng dụng ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, ITviec đã có buổi chia sẻ thông tin đầy bổ ích với anh Nguyễn Trung Kiên – Director of Engineering tại TIKI.
Siêu ứng dụng là gì?
1. Định nghĩa
Hiện nay, chưa có một khái niệm chung cụ thể cho siêu ứng dụng là gì nên ITviec sẽ mượn định nghĩa do Phó Chủ tịch Kỹ thuật Cấp cao của GoJek – Sidu Ponnappa, đã đưa ra: “Siêu ứng dụng (Super App) là một ứng dụng chứa nhiều app con (Mini Apps), và là một hệ điều hành điều phối những app con này.”
Hay như nhà sáng lập BlackBerry – Mike Lazaridis, đã định nghĩa: “Siêu ứng dụng là một hệ sinh thái khép kín gồm nhiều ứng dụng mà mọi người sẽ sử dụng hàng ngày vì chúng mang lại trải nghiệm liền mạch, tích hợp, theo ngữ cảnh và hiệu quả.”
Còn theo anh Kiên, để trở thành một “siêu ứng dụng”, ứng dụng đó cần phải đáp ứng hai điều kiện:
- Số lượng người dùng phải lớn. Không có một số lượng người dùng cụ thể nào được xét làm quy chuẩn chung mà phải tùy thuộc vào ngành nghề, hoặc công ty, và tập người dùng mà ứng dụng đó muốn hướng tới. Điều quan trọng phải đảm bảo là siêu ứng dụng làm ra phải giải quyết được bài toán của người dùng và được họ chọn sử dụng.
- Số lượng tính năng/ mini-apps trong một siêu ứng dụng phải lớn, có thể lên đến hàng nghìn, hàng triệu ứng dụng con.
Dựa trên khái niệm về siêu ứng dụng, hiện nay trên thị trường có 2 hướng tiếp cận phổ biến khi phát triển siêu ứng dụng:
- Hướng tiếp cận 1: Đội ngũ phát triển trong nội bộ công ty xây dựng nhiều tính năng trong một ứng dụng để phục vụ người dùng. Ví dụ như ứng dụng MoMo, Grab, GoJek, hay website dịch vụ Yahoo!,…
Ứng dụng MoMo. Nguồn: @MoMo
- Hướng tiếp cận 2: Chuyển đổi thành nền tảng cung cấp API để cộng đồng bên ngoài có thể phát triển ứng dụng của họ trên nền tảng này. Ví dụ như ứng dụng WeChat. Hiện nay ở Việt Nam thì chưa có ứng dụng nào đi theo hướng tiếp cận tương tự.
Hệ sinh thái của siêu ứng dụng WeChat. Nguồn: @WeChat Wiki
“Dù là theo hướng tiếp cận nào, nhà phát triển siêu ứng dụng cũng cần phải xác định được phương pháp mình đưa ra có giải được bài toán của khách hàng, người dùng hay không”, anh Kiên khẳng định.
Một phần mềm muốn trở thành một siêu ứng dụng thì phải đi từ dưới lên, không có con đường tắt. Có nghĩa, phần mềm đó cần phải đi theo chiến lược phát triển như sau:
- Phát triển một tính năng chủ đạo (core feature) để xây dựng tập người dùng đủ lớn, tần suất sử dụng cao.
- Sau đó, nghiên cứu hành vi người dùng kỹ càng, hiểu rằng tập người dùng còn có những vấn đề nào, nhu cầu gì mà mình có thể giải quyết giúp họ.
- Sau khi đã thu thập đầy đủ thông tin của người dùng thì mới có thể phát triển thành một siêu ứng dụng hữu ích mà cộng đồng có thể tin tưởng và chọn sử dụng.
Thoạt nghe, đây là một chiến lược dễ dàng. Nhưng để xây dựng được một ứng dụng, phục vụ một tập người dùng nhỏ trong xã hội thôi đã là một bài toán vô cùng phức tạp với nhà phát triển rồi. Vậy thì để phát triển thành một siêu ứng dụng, các doanh nghiệp phải có chiến lược tính bằng 5 năm, thậm chí 10 năm, không đơn thuần là chỉ vài tháng hoặc vài năm mà có thể thành công được.
Ta có thể thấy ví dụ từ Grab – thành lập vào năm 2012 chỉ với tính năng đặt xe taxi online. Mãi đến năm 2015, Grab mới cho ra mắt GrabExpress (Grab Giao hàng). Đến năm 2016, GrabPay và GrabFood ra đời. Đến năm 2019, Grab mới được “công nhận” là một trong những siêu ứng dụng đang phát triển mạnh mẽ ở Đông Nam Á. Và đến nay, thành công của Grab trong lĩnh vực phần mềm là không thể chối cãi. Để đạt được đến thành tựu này, hành trình phát triển của Grab cũng ngót nghét mất 10 năm.
Một hệ sinh thái liền mạch của Grab. Nguồn: @e27.co
2. Những ai nên sử dụng
Đối với siêu ứng dụng theo hướng tiếp cận 1, người được hưởng lợi nhiều nhất đương nhiên là người dùng. Họ sẽ được tiếp cận với nhiều tính năng hơn, giải quyết được nhiều nhu cầu trong cuộc sống hơn (thanh toán, dịch vụ, mua sắm,…) mà không cần phải liên kết với nhiều bên khác nhau.
Đối với siêu ứng dụng hướng tiếp cận 2, đối tượng nên sử dụng sẽ là những nhà phát triển ứng dụng (developer). Khi nhu cầu phát triển phần mềm của thị trường tăng cao, đặc biệt là các công ty startup muốn phát triển phần mềm nhưng nguồn lực về công nghệ, chi phí, thời gian, tập người dùng lại có hạn thì các nền tảng mở theo hướng tiếp cận 2 lại chính là “cứu cánh” của họ.
Nếu bạn là một startup đang phân vân nên tự tạo phần mềm riêng lẻ hay tận dụng nền tảng mở của siêu ứng dụng thì bạn có thể cân nhắc theo các yếu tố như sau:
Tiêu chí | Ứng dụng riêng lẻ (Multiple Apps) | Siêu ứng dụng (Super App) |
Thời gian phát triển | Sử dụng nhiều thời gian để phát triển ứng dụng. Ví dụ, phải phát triển cho cả nền tảng iOS và Android. | Tiết kiệm thời gian do chỉ cần phát triển trên nền tảng mở, còn lại sẽ được siêu ứng dụng tự động hóa. |
Chi phí | Bạn đẩy lên Google Play hay Apple Store thì bạn sẽ tốn chi phí để thu hút người dùng. | Tiết kiệm được chi phí này. |
Công nghệ | Xây dựng từ dưới lên. | Được tiếp cận với hệ thống hạ tầng (infrastructure) của nền tảng, tận dụng những tính năng sẵn có. |
Hỗ trợ | Không có người hỗ trợ. | Có cộng đồng tư vấn và hỗ trợ. |
Tập người dùng | Phải tự tạo tập người dùng. | Có sẵn tập người dùng lớn. |