Tổ chức Promare, một đơn vị nghiên cứu hàng hải phi lợi nhuận, đã hợp tác với hãng công nghệ IBM (Mỹ), Đại học Plymouth (Anh) và các tổ chức khoa học để chế tạo con tàu Mayflower. Được hạ thủy tại một cảng của Anh vào ngày 16-9, con tàu sẽ vượt Đại Tây Dương để cập bến tới Mỹ, hoàn tất một lịch trình sáu tháng thu thập dữ liệu về tình trạng của đại dương. Ông Andy Stanford-Clark, Giám đốc công nghệ của chi nhánh IBM tại Anh cho biết: “Không có bất kỳ thủy thủ nào trên tàu, thay vào đó “thuyền trưởng” chính là AI sẽ vạch ra hải trình chính xác cho con tàu”.
Cụ thể hơn, hãng IBM đã trang bị AI, điện toán đám mây và nhiều công nghệ tiên tiến khác cho phép “thuyền trưởng” AI của tàu MAS có thể tự đưa ra các quyết định trên biển. Tiêu biểu trong các công nghệ phức tạp đó phải kể tới hệ thống radar Wärtsilä RS24 của hãng công nghệ hàng hải nổi tiếng Wärtsilä (Phần Lan). Đây là hệ thống radar cung cấp khả năng tính toán giải pháp, xử lý tình huống phức tạp và liên tục kết nối hệ thống định vị vệ tinh.
Với chiều dài 15 m và nặng chỉ 5 tấn, Mayflower có thể phát hiện và né tránh các chướng ngại vật trong phạm vi 1.000 m. Bên cạnh đó, “thuyền trưởng” AI liên tục đánh giá môi trường và các đích đến của tàu, sửa đổi hành trình nhằm tránh thiên tai hoặc bất kỳ mối nguy hiểm nào từ khoảng cách xa. Trong tương lai, dự án về tàu Mayflower sẽ góp phần phát triển một nền tảng linh hoạt và hiệu quả, tiết kiệm chi phí cho nghiên cứu hải dương học. Đây còn là môi trường thử nghiệm hoàn hảo cho phần mềm điều hướng, động cơ dùng năng lượng tái tạo và hệ thống vận hành mới của tàu biển.