Phát triển bảo đảm an toàn hàng hải là một phần không thể thiếu trong chương trình hành động về Chiến lược biển đến năm 2020 nhằm đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện trong các chương trình phát triển kinh tế biển nói chung và phát triển hệ thống giao thông vận tải đường biển, hệ thống cảng biển nói riêng. Phấn đấu đến năm 2020, hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn hàng hải ở nước ta đạt trình độ tiên tiến so với khu vực và theo kịp xu thế phát triển của thế giới, góp phần vào việc hội nhập kinh tế quốc tế của ngành hành hải Việt Nam.
Hiện nay, công tác bảo đảm an toàn hàng hải đã và đang được Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành quan tâm trên cơ sở hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp và thiết lập mới theo hướng hiện đại. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa các cơ sở sản xuất phụ trợ, các cơ sở điều hành quản lý, các trang thiết bị, phương tiện phục vụ sản xuất, đặc biệt là các phương tiện có tính năng kỹ thuật cao, phục vụ công tác quản lý, vận hành hệ thống đèn biển xa bờ, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của công tác bảo đảm an toàn hàng hải, đặc biệt là công tác quản lý, vận hành hệ thống báo hiệu hàng hải theo hướng hiện đại thì trước mắt phải đầu tư, thiết lập hoàn chỉnh hệ thống điều khiển, giám sát từ xa, tự động hóa hệ thống báo hiệu hàng hải, kết nối hệ thống báo hiệu hàng hải với các công cụ hỗ trợ hàng hải. Thiết lập hoàn chỉnh hệ thống hải đồ điện tử ENC trên toàn bộ vùng hàng hải của cả nước.
Công tác bảo đảm an toàn hàng hải ở nước ta những năm gần đây đã có nhiều tiến bộ rõ rệt, đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về an toàn hàng hải, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế biển theo kịp nhịp độ phát triển chung của ngành hàng hải. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn vốn đầu tư cũng như trình độ kỹ thuật và quản lý nên môi trường hàng hải ở nước ta vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn và quy định quốc tế, bộc lộ ở nhiều mặt hạn chế trong quá trình hội nhập kinh tế hàng hải quốc tế.Về cơ bản, hiện tại chúng ta vẫn chủ yếu sử dụng hệ thống báo hiệu hàng hải truyền thống bằng thị giác, âm thanh, công tác nghiên cứu, ứng dụng các thiết bị báo hiệu hàng hải bằng vô tuyến và các công cụ hỗ trợ hàng hải điện tử mới chỉ ở bước thử nghiệm; công tác sản xuất và quản lý còn nặng về thủ công, thô sơ mà ít ứng dụng các công nghệ tự động, hay công cụ quản lý hiện đại… Hạn chế này dẫn đến tình trạng có nhiều phương tiện báo hiệu hàng hải quốc tế vào vùng nước ta không sử dụng được hoặc không phát huy được hết tác dụng.Chính vì vậy, việc nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm an toàn hàng hải là một nhiệm vụ trọng tâm trong định hướng phát triển của Công ty Bảo đảm an toàn hang hải miền Nam. Do vậy, ngay từ khi chia tách Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam, Công ty đã đặc biệt quan tâm và chú trọng đến công tác nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là những đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được sản xuất, ứng dụng thực tiễn trong việc quản lý, điều hành, sản xuất thuộc lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng hải, tiết kiệm nhiều chi phí nhân công cũng như đem lại những lợi ích to lớn về kinh tế, được các bộ, ngành và các đơn vị có liên quan đánh giá cao, cụ thể là các đề tài, sáng kiến tiêu biểu như.Đề tài: “Nghiên cứu, xây dựng Hải đồ điện tử luồng Sài Gòn – Vũng Tàu phục vụ khảo sát luồng và quản lý báo hiệu hàng hải”.ENC ( Electronic Navigation Chart) hay hải đồ điện tử là hải đồ vector trên đó bao gồm tất cả các thông tin, cơ sở dữ liệu kỹ thuật số được chuẩn hóa về cấu trúc, nội dung và định dạng tuân thủ theo tiêu chuẩn S57 Edition 3.1 của tổ chức Thủy đạc quốc tế IHO. Hải đồ điện tử cung cấp thông tin cho người đi biển bản đồ và các thông tin hàng hải được hiển thị trên máy tính. Ngoài ra, hải đồ điện tử còn chứa nhiều chi tiết bổ sung để tăng cường an toàn hàng hải và cho phép nhà hàng hải điều khiển các con tàu một cách thuận tiện.Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam tự sản xuất thành công hải đồ điện tử hoàn toàn bằng chính những con người đang công tác và làm việc tại Công ty. Sản phẩm này đã được Hội đồng khoa học và công nghệ – Cục Hàng hải Việt Nam nghiệm thu năm 2007 và được Cục Bản quyền tác giả – Bộ Văn hóa thông tin cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả ngày 17/12/2007. Hiện nay, hải đồ điện tử do Công ty sản xuất đã được các cơ quan hữu quan như Cảng vụ hàng hải, Hoa tiêu sử dụng để phục vụ công tác quản lý, lai dẫn tàu, tiết kiệm nhân công cũng như chi phí di chuyển, đồng thời bảo đảm an toàn cho các phương tiện khi lưu thông trên luồng. Trong năm 2011 và những năm tiếp theo, Công ty sẽ tiếp tục hoàn thành hải đồ điện tử cho toàn bộ các tuyến luồng còn lại trong phạm vi quản lý tại khu vực miền Trung và miền Tây Nam Bộ.
Theo nghị quyết của Tổ chức Hàng hải Quốc tế IMO, từ tháng 7 năm 2012, việc trang bị hệ thống hiển thị thông tin và hải đồ điện tử ECDIS là bắt buộc và hải đồ điện tử ENC chính là bản đồ nền của hệ thống này. Khi tích hợp với các thiết bị trợ giúp hàng hải, ENC sẽ hiển thị vị trí con tàu với thời gian thực, cảnh báo nguy hiểm, chướng ngại vật cũng như việc qui hoạch và theo dõi lộ trình hành hải.
Đề tài: “Nghiên cứu xây dựng hệ thống giám sát và điều khiển báo hiệu hàng hải từ xa thông qua mạng điện thoai di động GSM phục vụ bảo đảm an toàn hàng hải”.
Tại nước ta, việc quản lý các báo hiệu hàng hải như đèn hải đăng, phao tiêu… vẫn thường thực hiện phương pháp thủ công bằng mắt thường, khó bảo đảm được các báo hiệu hàng hải hoạt động 24/24h. Với thiết bị kiểm soát từ xa, các báo hiệu hàng hải luôn được theo dõi thường xuyên và cảnh báo khi có sự cố để người quản lý có biện pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, với những chức năng cập nhật và thống kê các hiện tượng xảy ra người quản lý có thể đưa ra các dự báo cho các tình huống có thể xảy ra với báo hiệu hàng hải, từ đó luôn có những dự phòng tốt cho công tác sửa chữa, bảo trì. Xuất phát từ đặc điểm tình hình trên và theo hướng dẫn số của IALA, nhóm kỹ sư thực hiện đề tài bắt đầu nghiên cứu các tính năng cho từng thiết bị kiểm soát, xây dựng mô hình thuật toán hoạt động cho thiết bị, trung tâm kiểm soát. Sau đó, dựa trên các thông số yêu cầu xây dựng sẽ chế tạo thiết bị dùng vi xử lý điều khiển theo dạng môđun và tiến hành lập trình (xây dựng firmware) cho hệ thống như thiết bị kiểm soát phao, thiết bị kiểm soát hải đăng, thiết bị kiểm soát trung tâm.
Thiết bị của hệ thống này nhờ sử dụng vi xử lý nên có ưu điểm nhỏ gọn, tiêu tốn ít năng lượng đồng thời dễ lắp ráp trên các phao, đèn biển, phù hợp với các thiết bị đèn Led, đèn biển cấp I, II do Công ty sản xuất, chế tạo; không phải đầu tư tốn kém cho trạm thu phát sóng như công nghệ sóng VHF, tận dụng hạ tầng mạng điện thoại di động và người quản lý có thể theo dõi tình trạng hoạt động đèn phao, đèn hải đăng qua tin nhắn điện thoại mọi lúc mọi nơi…
Đề tài: ”Soát xét và xây dựng Tiêu chuẩn ký hiệu trên hệ thống thông tin và hiển thị hải đồ điện tử và Tiêu chuẩn chuyển đổi dữ liệu thủy đạc số”.
Đề tài này đã được Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam thực hiện thành công với kinh nghiệm trong việc thiết kế hải đồ điện tử theo tiêu chuẩn quốc tế. Lợi ích của đề tài này là đưa ra bộ tiêu chuẩn tạo cơ sở hành lang pháp lý phù hợp với các thiết bị hiển thị trên các loại tàu nước ngoài khi hành hải tại Việt Nam nhằm đảm bảo an toàn khi lưu thông trên các tuyến luồng trong khu vực do Công ty quản lý.
Đề tài: “Nghiên cứu xây dựng phần mềm xử lý sóng để nâng cao độ chính xác đo sâu” và đề tài “Ứng dụng công nghệ định vị động DGPS-RTK cho quy trình đo sâu không quan trắc mực nước”.
Với công nghệ đo sâu thông thường, việc sử dụng số liệu đo mực nước để hiệu chỉnh độ sâu trong công tác thủy đạc còn tồn tại nhiều nguồn sai số lớn như sự không nằm ngang của mực nước, sự nhấp nhô của tàu đo sâu do sóng biển và bản thân việc quan trắc mực nước còn chứa đựng nhiều sai số và tốn kém thời gian, nhân lực và kinh phí. Việc ứng dụng phương pháp RTK tuy không dùng số liệu đo mực nước và độ chính xác định vị được nâng lên nhưng vẫn còn những bất cấp như phải có trạm GPS trên bờ, phải xây dựng mạng lưới khống chế tọa độ theo hệ WGS 84, tín hiệu dễ bị gián đoạn do tàu bè đi lại và địa hình che khuất…
Để khắc phục những hạn chế của hai phương pháp trên, Công ty ứng dung kỹ thuật DGPS RTK diện rộng sử dụng tín hiệu HP (High Performance) cung cấp từ vệ tinh truyền thông. Qua nghiên cứu lý thuyết và tiến hành nhiều thực nghiệm trên bờ, trên sông và trên biển đã cho kết quả rất đáng tin cậy, độ đo sâu chính xác cao. Đề tài đã được nghiệm thu và nhanh chóng áp dụng vào việc sản xuất của Công ty, đặc biệt là phục vụ cho công tác khảo sát các tuyến luồng hải do Công ty quản lý, tiết kiệm rất nhiều nhân công và chi phí, mang lại nhiều hiệu quả kinh tế.
Đề tài: ”Chế tạo thử nghiệm đèn báo hiệu gắn trên phao sử dụng công nghệ diot phát quang LED”.
Đèn báo hiệu này có tính năng tiết kiệm năng lượng tích hợp ắc qui và tấm pin năng lượng mặt trời bên trong đèn, gọn nhẹ dễ lắp đặt và không cần thêm những phụ kiện mà trước đây phải nhập hoàn toàn từ nước ngoài với giá thành cao, giúp tiết kiệm rất nhiều ngoại tệ cho nhà nước và tạo thêm công ăn việc làm cho cán bộ công nhân viên.
Ngoài ra, còn rất nhiều đề tài, sáng kiến cải tiến hợp lý hóa sản xuất mang lại nhiều lợi ích trong công tác quản lý, điều hành như như: ““Lắp đặt thử nghiệm hệ thống AIS khu vực luồng Sài Gòn – Vũng Tàu, tiến tới lắp đặt hoàn thiện hệ thống AIS cho các tuyến luồng quan trọng có mật độ hành hải cao”; “Ứng dụng Công nghệ thông tin trong công tác quản lý văn bản của Công ty” …
Với những thành tựu nổi bật về công tác nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2010, Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam đã và đang đề nghị Ban thi đua khen thưởng Trung ương, Bộ Giao thông vận tải và Vụ khoa học công nghệ xét tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho các tập thể và cá nhân Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam có thành tích xuất sắc trong công tác khoa học công nghệ, góp phần vào sự phát triển của Ngành bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam nói chung và Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam nói riêng.